Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên nước nước 2023
Cập nhật lúc: 24/06/2024 487
Cập nhật lúc: 24/06/2024 487
I. GIỚI THIỆU VỀ LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC 2023
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 (thay thế Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13).
1. Bố cục, nội dung cơ bản của Luật
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 Điều, cụ thể như sau:
- Chương 1. Quy định chung, gồm 08 Điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về: phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về tài nguyên nước; phát triển khoa học, công nghệ; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; những hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương 2. Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước, gồm 12 Điều (từ Điều 9 đến Điều 20), chia làm 02 Mục, quy định về: hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; chiến lược tài nguyên nước quốc gia; quy hoạch về tài nguyên nước; căn cứ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nguyên tắc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.
- Chương 3. Bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, gồm 14 Điều (từ Điều 21 đến Điều 34), quy định về: bảo vệ nguồn nước mặt; chức năng nguồn nước; hành lang bảo vệ nguồn nước; dòng chảy tối thiểu; bảo đảm lưu thông của dòng chảy; bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác; bảo vệ nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; ngưỡng khai thác nước dưới đất; bảo vệ nước dưới đất; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; phòng, chống ô nhiễm nước biển; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
- Chương 4. Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, gồm 26 Điều (từ Điều 35 đến Điều 60), chia làm 04 Mục, quy định về: điều hòa, phân phối tài nguyên nước; điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước; chuyển nước lưu vực sông; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; gây mưa nhân tạo; quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp; khai thác tài nguyên nước cho thủy điện; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản và mục đích khác; sử dụng nguồn nước cho giao thông thủy; sử dụng nguồn nước cho các mục đích khác; đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa; quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước; quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; nguyên tắc đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; điều kiện cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
- Chương V. Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, gồm 06 Điều (từ Điều 61 đến Điều 66), quy định về: trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; phòng, chống và khắc phục tác hại của nước do thiên tai gây ra; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.
- Chương VI. Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, gồm 08 Điều (từ Điều 67 đến Điều 74), quy định về: nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước; thuế, phí về tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; dịch vụ về tài nguyên nước; hạch toán tài nguyên nước; nguồn lực cho quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước.
- Chương VII. Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, gồm 04 Điều (từ Điều 75 đến Điều 78), quy định về: nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; nội dung hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia; giải quyết tranh chấp, bất đồng về nguồn nước liên quốc gia.
- Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, gồm 03 Điều (từ Điều 79 đến Điều 81), quy định về: trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp; điều phối, giám sát hoạt động bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.
- Chương IX. Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước, gồm 02 Điều (từ Điều 82 đến Điều 83), quy định về: thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.
- Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 03 Điều (từ Điều 84 đến Điều 86), quy định về: sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến tài nguyên nước; hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.
2. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật
Luật Tài nguyên nước 2023 được xây dựng tập trung vào 04 nhóm chính sách đã được Quốc hộ thông qua, cụ thể như sau:
1) Bảo đảm an ninh nguồn nước
2) Xã hội hóa ngành nước
3) Kinh tế tài nguyên nước
4) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật Tài nguyên nước 2023:
2.1. Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước
Các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các Chương, Điều của Luật. Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.
Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
a) Điều hòa, phân phối tài nguyên nước là một trong những điểm mới, cốt lõi trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước, trong đó quy định cụ thể: việc xây dựng kịch bản nguồn nước; hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước bằng hệ thống hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực; việc xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và các biện pháp ứng phó, khắc phục khi tình trạng thiếu nước xảy ra.
b) Quy định cụ thể các trường hợp phải xác định dòng chảy tối thiểu; nguyên tắc, căn cứ và trách nhiệm xác định, công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất.
c) Bổ sung các quy định về ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước; tận dụng các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ, tạo cảnh quan sinh thái, phòng, chống ngập lụt, cấp nước dự phòng.
d) Quy định rõ nội dung về quy hoạch tổng hợp lưu vực sông để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,…tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực. Trong đó, nhấn mạnh việc phân bổ tài nguyên nước tuân thủ theo quy hoạch, kịch bản nguồn nước.
2.2. Sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ tài nguyên nước
a) Quy định chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để lựa chọn các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; để xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước.
b) Bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt: bổ sung quy định giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng; Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng.
c) Bổ sung các quy định cụ thể, chính sách để tăng cường việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là các dòng sông “chết”, cụ thể đã quy định rõ cơ chế, chương tình, đề tài, dự án, cơ chế chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
d) Quy định cụ thể về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp để giảm thiểu tình trạng ngập úng đô thị, tăng khả năng tích trữ nước.
2.3. Sửa đổi, bổ sung các quy định về khai thác, sử dụng nước
Bổ sung một số quy định về phân công rõ trách nhiệm cho các Bộ, địa phương trong khai thác nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện; bổ sung thêm một số quy định về tuần hoàn, tái sử dụng nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước.
2.4. Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước
Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa. Quy định chính sách ưu tiên, khuyến khích thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm theo hình thức xã hội hóa.
2.5. Bổ sung các quy định nhằm chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế
Quy định rõ các chính sách về thuế, phí tài nguyên nước, hạch toán tài nguyên nước để phản án đúng, đủ giá trị của tài nguyên nước làm nguyên tắc định hướng khi sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thuế, phí. Bổ sung quy định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của người sử dụng nước (bổ sung thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước sinh hoạt và thu tiền cấp quyền khai thác theo lộ trình đối với sản xuất nông nghiệp).
2.6. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước
Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành về tài nguyên nước nhằm phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
II. CÁC VĂN BẢN DƯỚI LUẬT
Ngày 16/5/2024 Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định và 01 Thông tư (đều có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024), gồm:
- Nghị định số 53/2024/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước;
- Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
- Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
(Đính kèm Luật Tài nguyên nước, 02 Nghị định và 01 Thông tư)
Luât TNN 28-2023-QH15.pdf | Tải file | Xem văn bản |
ND 53 Huong dan Luat TNN 2023.pdf | Tải file | Xem văn bản |
ND 54 quy dinh ve cap phep TNN.pdf | Tải file | Xem văn bản |
Thông tư 03-2024-tt-btnmt_Signed.pdf | Tải file | Xem văn bản |
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0