Ngày Khí tượng Thế giới (23/3): Thấu hiểu những đám mây
Cập nhật lúc: 27/03/2017 5203
Cập nhật lúc: 27/03/2017 5203
Ngày Khí tượng Thế giới (23/3): Thấu hiểu những đám mây
Thấu hiểu về mây để dự báo thời tiết, khí hậu
Không phải ngẫu nhiên Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chọn chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm nay (23/3) là “Hiểu biết về mây”. Bởi trong thông điệp của mình, GS. Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO nhấn mạnh, hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
* Mây - yếu tố quan trọng bậc nhất trong dự báo thời tiết
Từ khi chưa có các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho việc dự báo thời tiết, con người vẫn có thể “trông trời, trông đất, trông mây” để phán đoán thời tiết một cách tương đối chính xác. Người xưa đã đúc kết: “Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa” hay “Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa”. Điều này cho thấy, mây là yếu tố quan trọng trong việc dự báo thời tiết.
Theo GS. Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, mây có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, thời tiết và cân bằng năng lượng của Trái đất. Các đám mây đã góp phần điều tiết chu trình nước và toàn bộ hệ thống khí hậu.
Với những người làm công tác dự báo thời tiết, thông điệp Ngày Khí tượng năm nay không chỉ dừng lại ở việc hiểu biết mà để làm dự báo phải “thấu hiểu” về mây.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia bộc bạch, “phải hiểu rõ và sâu sắc về mây vì đó là yếu tố quan trọng bậc nhất trong các yếu tố để dự báo thời tiết. Mây là một biểu hiện trong vòng tuần hoàn nước, nước sẽ bốc hơi, ngưng kết thành mây, mây thành mưa, tạo thành chu trình khép kín”.
Với kinh nghiệm của người lâu năm trong nghề, ông Hải cho biết, mây hết sức quan trọng và không thể thiếu được trong quan trắc thủy văn. Mây có nhiều loại, mỗi loại mây mang lại một hệ quả thời tiết khác nhau. Mây nào thì mưa nấy. Mây còn liên quan đến từng loại hình thời tiết khác nhau. Có rất nhiều yếu tố, cơ chế, lý do tại sao gây ra một cơn bão, trước bão thì có giông, lốc, không khí lạnh tràn về… Chúng ta không thể biết được nguyên nhân nhân trực tiếp nhưng qua hệ thống mây chúng ta có thể nhận biết được. Theo thuật ngữ của người làm dự báo là “nhận vết để xác định ra chân”. Nghĩa là nhờ vào biểu hiện của mây để xác định độ mạnh của bão.
“Tất cả các hiện tượng về mây không chỉ quan trọng với người làm công tác dự báo, đối với người dân thì việc chú ý đến mây còn có thể cứu được tính mạng của mình. Người dân có thể căn cứ vào các hiện tượng bất thường của mây như khi thấy 1 cơn dông ùn ùn kéo tới, hay nhìn thấy đám mây giông mùa hè, đó là biểu hiện của cơn mưa lớn, có thể kèm theo lốc xoáy, vòi rồng, thì tìm cách tránh trú” – ông Hải khẳng định.
* Thiết bị hiện đại chưa thể thay thế được con người
Khi được hỏi về việc máy móc có thể thay thế con người quan sát mây hay không, ông Hải cho biết, mây là yếu tố khí tượng duy nhất chỉ có con người mới quan sát được. Máy móc không thể làm thay con người được.
Ông phân tích, hiện nay, khi khoa học, công nghệ phát triển có nhiều thiết bị, máy móc để quan trắc mây. Một ra đa thời tiết có thể quét được kích thước của đám mây. Kích thước không gian, thời gian, độ cao của chân mây cũng như kết cấu của đám mây, từ đó suy ra được các loại hình thời tiết do các đám mây mang đến. Mây càng dày thì mưa càng lớn. Mây càng phát triển mạnh thì càng có khả năng phát triển dông lốc, tất cả yếu tố đó liên quan chặt chẽ với nhau. Và đây là khâu quan trọng trong cái khâu dự báo thời tiết.
Năm 1957, con người phóng lên các vệ tinh nhân tạo thì việc đầu tiên nghĩ đến là gắn lên các máy ảnh, để chụp ảnh các hệ thống mây của trái đất vì ở trạm khí tượng thủy văn chỉ quan sát được mây trong vòng bán kính 20 km. Nhưng các loại máy đó không cho được hình ảnh, đặc điểm mây một cách chi tiết, không cho được hình ảnh mây thấp, mây cao, mây trung do nhìn từ trên cao chỉ nhìn được phần đỉnh. Vì thế quan trắc từ mặt đất vẫn là điều quan trọng.
Các ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết có thể định vị được mây, phân loại được mây nhưng không thể cụ thể, rõ ràng như các quan trắc viên. Với kinh nghiệm của mình, họ có thể nói đây là loại mây gì, ở độ cao nào, mang lại lượng mưa gì, nó biến thiên ra sao…. do đó con người là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quan trắc mây.
Theo http://www.monre.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0