Thiếu công nghệ chế biến khoáng sản titan Việt Nam
Cập nhật lúc: 06/06/2014 8553
Cập nhật lúc: 06/06/2014 8553
Thiếu công nghệ chế biến khoáng sản titan Việt Nam
Việt Nam đứng đầu thế giới về trữ lượng và chất lượng khoáng sản titan. Theo dự tính, Việt Nam có tổng trữ lượng 664 triệu tấn (tổng trữ lượng trên toàn thế giới là 1.400 triệu tấn). Tuy nhiên, sự giàu có ấy vẫn không giúp nền công nghiệp khai khoáng titan “cất cánh” vì công nghệ khai thác quá lạc hậu.
Thiếu định hướng, doanh nghiệp mạnh ai nấy làm
Hiện nay trên địa bàn cả nước có 24 giấy phép khai thác khoáng sản titan còn hiệu lực trữ lượng theo giấy phép khoảng 15 triệu tấn khoáng vật nặng (KVN). Theo thống kê chưa đầy đủ, sản lượng khai thác titan từ năm 2006 - 2013 có khoáng 5,2 triệu tấn khoáng vật nặng. Công nghệ khai thác, tuyển titan được các doanh nghiệp sử dụng chủ yếu theo hình thức cuốn chiếu, sử dụng máy bơm hút kết hợp hệ thống tuyển thô bằng vít xoắn đặt trên bè di dộng dọc theo khai trường, đổ thải trong. Nhìn chung, công nghệ, thiết bị sử dụng chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc, đầu tư mang tính tự phát.
Theo như đánh giá của các chuyên gia khoáng sản, trong Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhấn mạnh, Việt Nam chỉ xuất khẩu sản phẩm chế biến từ khoáng sản có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản có quy mô lớn; đầu tư các nhà máy chế biến sâu quặng titan theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến không gây ô nhiễm môi trường; hình thành ngành công nghiệp khai khoáng titan - zircon tương xứng với tiềm năng khoáng sản. Thế nhưng, Nhà nước chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho công nghệ, thiết bị yêu cầu sử dụng trong khai thác titan; chưa định hướng cho doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ khai thác hiện đại, thân thiện môi trường. Do đó, dẫn tới tình trạng lãng phí tài nguyên, hủy hoại môi trường như thực tế hiện nay.
Ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết: 92% trữ lượng titan cả nước nằm ở tỉnh Bình Thuận. Công nghiệp sa khoáng ở đây còn nhiều hạn chế như công nghệ khai thác, chế biến sử dụng chưa hợp lý. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao cải tiến công nghệ, mà chỉ biết đặt vít nơi nào nhiều quặng để khai thác lấy ra nhiều KVN. Trong khi đó, mỗi khu vực thành phần hạt, hàm lượng KVN khác nhau. Ví dụ, tại Bình Thuận, sa khoáng titan phân bố sâu, hàm lượng KVN trong cát tuy ít hơn các nơi khác, nhưng lại nhiều zircon, (chiếm 10 - 25% KVN). Với công nghệ khai thác hiện đang sử dụng, thì phần lớn chưa khai thác triệt để, lượng zircon còn trong cát thải rất nhiều.
Được biết, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm chế biến sâu titan – coi đây là điều kiện tiên quyết hình thành ngành công nghiệp titan, từ đó nâng giá trị titan Việt Nam trên thị trường thế giới. Thế nhưng đến nay, tại Bình Thuận vẫn chưa có nhà máy chế biến sâu nào cho ra sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ chế biến sâu, cũng như bảo vệ môi trường gặp khó khăn.
Để ngành công nghiệp titan “cất cánh”…
Công nghệ chế biến sâu titan hiện không được phổ quát và bán rộng rãi trên thị trường thế giới. Do vậy, doanh nghiệp phải tự mày mò liên hệ nhiều tập đoàn, tổng công ty của một số quốc gia có nền công nghiệp khai khoáng phát triển như Mỹ, Ukraine, Australia, Đức… để xin chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ này hiện nay được xem như hàng độc quyền, là bí mật, nên các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Trong khi đó tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp khai thác titan trong nước hạn chế, việc doanh nghiệp tự tìm kiếm công nghệ trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn ở dạng nhà máy tuyển tách titan, cao hơn nữa là nghiền zircon siêu mịn với các công nghệ cũ của Trung Quốc. Tính đến nay trên cả nước mới có 2 nhà máy sản xuất ilmenite hoàn nguyên công suất 20.000 tấn/năm và 5 nhà máy luyện xỉ đã sản xuất gia đoạn 1, công suất 84.000 tấn/năm và khoáng 11 dây truyền/ xướng nghiền bột zircon mịn, rutil mịn.
Khó khăn là thế, nhưng ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Dẫu vạn lần khó, song việc “mở lối” cho công nghiệp chế biến sâu titan là hướng đi mà Bình Thuận đau đáu theo đuổi”. Ông Phương nhấn mạnh, không thể để tiếp tục việc khai thác, chế biến titan với công nghiệp lạc hậu, giá trị thấp, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự xã hội như lâu nay, nên việc tăng cường công tác quản lý trong khai thác và hình thành trung tâm chế biến sâu titan là việc làm cần thiết cho việc tạo lực thu hút chuỗi nhà máy công nghệ hiện đại có tính liên hoàn, bổ trợ nhau trong chuỗi giá trị sản phẩm sau titan.
Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030, tỉnh Bình Thuận được xác định là một tỉnh có tiềm năng khoáng sản titan rất lớn. Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí hình thành khu công nghiệp chế biến sâu titan - zircon trên địa bàn tỉnh tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam tỉnh. Thế nhưng, con đường biến giấc mơ từ tiềm năng giàu có này thành ngành công nghiệp titan vẫn còn rất xa.
Nguồn: wwww.monre.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0