Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Cập nhật lúc: 17/10/2014 3883
Cập nhật lúc: 17/10/2014 3883
Ngày 09/10/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Chỉ thị số 07/2014/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17 tháng 11 năm 2010, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Sau 03 năm thi hành Luật Khoáng sản, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được củng cố và tăng cường đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho chế biến, xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế thi hành pháp luật Khoáng sản thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, cụ thể là: tình hình khai thác vàng trái phép ở huyện M’DRăk, huyện Ea Kar; khai thác đá quý ở huyện Krông Năng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đất sét làm gạch, ngói diễn biến phức tạp ở các huyện: Krông Bông, Krông Păk, Ea Kar, Krông Ana, Lăk, Cư Kuin, Buôn Đôn, Ea Súp; khai thác đá xây dựng trái phép tại huyện Ea Hleo,... làm hủy hoại môi trường, môi sinh; gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến an toàn công trình cơ sở hạ tầng và thất thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc ban hành Chỉ thị số 07/2014/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và đảm bảo khai thác bền vững nguồn tài nguyên này.
Về nội dung chủ yếu của Chỉ thị: UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan rà soát các mỏ đang có giấy phép hoạt động khoáng sản, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy trình khai thác, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất trái quy định, mất an toàn lao động, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; thẩm định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp và thẩm định tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.
Ảnh: Minh họa
Chỉ thị quy định rõ trong năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế phối hợp trong hoạt động quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó chỉ thị còn quy định trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành: Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động và Thương binh xã hội, Xây dựng, Giao thông vận tải, Cục thuế tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Quy định sự phối hợp với các cơ quan như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các Đoàn thể, các Tổ chức và cá nhân khác căn cứ các quy định pháp luật về khoáng sản tổ chức giám sát chặt chẽ UBND các cấp, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đắk Lắk và các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản và các quy định của tỉnh về quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; tập trung viết bài đưa tin hoặc xây dựng chuyên mục, chuyên đề biểu dương những điển hình tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động quản lý, thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thủy
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0