Xây dựng hệ thống thông tin địa lý vùng Tây Nam Bộ
Cập nhật lúc: 14/04/2014 3213
Cập nhật lúc: 14/04/2014 3213
Xây dựng hệ thống thông tin địa lý vùng Tây Nam Bộ
Hệ thống thông tin địa lý, hệ thống bản đồ thông minh đang được triển khai mạnh mẽ tại vùng Tây Nam Bộ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc quản lý tài nguyên, phát triển kinh tế xã hội.
2014: Bắt đầu triển khai dự án MGIS
Đại học Quốc gia TP. HCM vừa làm việc với các tỉnh Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long An… về triển khai dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long” (MGIS).
Mục tiêu của dự án là cung cấp cho Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất có đầy đủ thông tin tổng hợp được cập nhật về hiện trạng và diễn biến về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên, thiên tai và tình hình phát triển kinh tế xã hội để có cơ sở hoạch định chủ trương và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng ĐBSCL, ngăn ngừa thiên tai.
Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng Ban soạn thảo dự án- những năm gần đây một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu ứng dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý, song vẫn còn rời rạc, chưa kết nối thành một hệ thống thống nhất để phục vụ tốt cho việc lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế xã hội địa phương và toàn vùng.
Do đó, MGIS là giải pháp giúp Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND 13 tỉnh, thành trong vùng có đầy đủ thông tin tổng hợp cập nhật về hiện trạng và diễn biến các điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các thiên tai và tình hình phát triển kinh tế và xã hội. Từ đó, có cơ sở để hoạch định các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và ngăn ngừa thiên tai.
Hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đa ngành, quy trình xử lý thông tin và cơ sở dữ liệu được hình tượng hóa dưới dạng một bộ bản đồ thông minh. Hướng nghiên cứu triển khai hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm việc xây dựng các hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành và hệ thống thông tin địa lý tổng hợp…
Dự kiến, thời gian xây dựng hệ thống thông tin địa lý Đồng bằng sông Cửu Long là 5 năm. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ kiến nghị Nhà nước cho phép bắt đầu thực hiện nội dung đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến các dạng tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ năm 2014.
* Thành lập bản đồ bảo tồn, phát triển vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười
Trước dự án MGIS, Bộ TN&MT đã triển khai một dự án quy mô nhỏ hơn, trong khuôn khổ bảo tồn vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Đó là Dự án “Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười”.
Dự án đã số liệu thu thập số liệu trong quá trình điều tra, khảo sát về vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười; các báo cáo chuyên đề về hiện trạng tài nguyên môi trường và kinh tế-xã hội vùng này; 280 mảnh bản đồ phân loại đất ngập nước tỷ lệ 1:5.000; 23 bản đồ chuyên đề về vùng đất ngập nước tỷ lệ 1:50.000, 1:100.000 và 1:200.000; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước nơi đây.
PGS.TS. Hà Minh Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, dự án này là cơ sở đảm bảo cho viêc sử dụng tài nguyên của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười hiệu quả, hợp lý; giúp cho các cơ quan quản lý đề ra những chiến lược, chính sách phát triển phù hợp với các mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước; đảm bảo sự sống cho các loài động, thực vật quý hiếm, tạo môi trường sinh thái thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ GIS sẽ giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đem lại hiệu quả cao trong quản lý và sử dụng sản phẩm của Dự án.
Nguồn: wwww.monre.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0